Nhức Nửa Đầu (Migraine): Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Cách Điều Trị Hiệu Quả
1. Nhức Nửa Đầu Là Gì?
Nhức nửa đầu, hay còn gọi là đau đầu Migraine, là một tình trạng đau đầu thường xuất hiện ở một bên đầu, với tỷ lệ mắc khoảng 12-20% dân số. Tình trạng này thường bắt đầu từ giai đoạn thiếu niên và có thể tái phát nhiều lần cho đến tuổi 50-60. Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp ba lần so với nam giới, và thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhức nửa đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

2. Triệu Chứng Của Nhức Nửa Đầu
Cơn nhức nửa đầu thường xuất hiện từ 1-4 lần mỗi tháng, hoặc thậm chí vài lần trong năm. Trước khi cơn đau bắt đầu, người bệnh có thể trải qua các triệu chứng báo trước như: thay đổi tâm trạng, giác quan bị ảnh hưởng, cảm thấy mệt mỏi, uể oải, hay hồi hộp. Khoảng 20-30% người bệnh có triệu chứng tiền triệu, bao gồm rối loạn thị giác, xuất hiện điểm mù, chóng mặt, hoặc thậm chí là liệt thoáng qua.
Khi cơn đau bắt đầu, nó có thể kéo dài từ 4-72 giờ, bắt đầu từ vùng mắt hoặc thái dương và lan tỏa sang một bên đầu. Cơn đau thường dữ dội, nhức giật như có mạch đập, nhức theo nhịp tim, đau nhói, toát mồ hôi, đau tăng lên khi gắng sức.
Người bệnh buồn nôn hay nôn, chóng mặt, tiêu chảy, tê môi lưỡi mặt, nhạy cảm với ánh sáng, sợ ánh sáng và âm thanh. Người bệnh chỉ muốn nằm trong phòng tối, đầu để dưới gối, không muốn tiếp xúc với người xung quanh.
Sau cơn nhức đầu, người bệnh như kiệt sức, mệt mỏi, trí nhớ mù mờ không nhớ rõ trước cơn nhức đầu, cảm giác muốn ăn…
3. Nguyên Nhân Gây Ra Nhức Nửa Đầu
Nhức nửa đầu làdo sự phóng thích các chất hóa học gây viêm và gây đau. Các chất này bình thường không có trong não. Khi chúng xuất hiện làm cho các mạch máu hoạt động bất thường, co hoặc dãn gây đau đầu.
Các yếu tố khởi phát có thể bao gồm:
- Thức ăn: sô cô la, phô mai, bơ, thịt nguội, thịt xông khói
- Các chất kích thích: nước lên men, thức ăn ướp muối, rượu vang, bột ngọt, cà phê, thuốc lá..
- Người bệnh bỏ bữa, căng thẳng hay giảm căng thẳng đột ngột như vừa thi xong.
- Thay đổi kchs thích tố trong máu như sử dụng thuốc ngừa thai, chu kỳ kinh nguyệt, mất ngủ
- Thay đổi giấc ngủ như thức khuya, đi du lịch hay thời tiết thay đổi
Các yếu tố khởi phát này sẽ làm tăng nhạy cảm của các mạch máu với các chất hóa học phóng thích gây đau và gây viêm ở não
4. Chẩn Đoán Và Điều Trị Nhức Nửa Đầu
Chẩn đoán nhức nửa đầu chủ yếu dựa trên các triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân trải qua. Để loại trừ các nguyên nhân khác như viêm mạch máu, u não, hoặc viêm xoang, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu, chụp X-quang, hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não.

5. Cách Điều Trị Nhức Nửa Đầu
Nhức nửa đầu là một bệnh thường xảy ra với tần suất rất thay đổi. Bệnh cần theo dõi và điều trị theo chuyên khoa.
Bệnh nhân cần tái khám khi có sự thay đổi về tần số, cường độ, tính chất cơn nhức đầu, cơn nhức đầu tiến triển thêm trong những ngày gần đây, nhức đầu kèm theo các triệu chứng khác: ho, hắt hơi, sụt cân, suy nhược cơ thể…
Bệnh nhân cần được cấp cứu khi: xuất hiện cơn đau đầu nặng trước nay chưa từng có, có chấn thương đầu kèm nhức đầu, có mất ý thức kèm nhức đầu, sốt, lú lẫn, liệt nửa người…
Người bệnh có cơn nhức đầu từ nhẹ đến trung bình có thể điều trị tại nhà:
- Dùng khăn lạnh đắp lên vùng đầu bị đau, kê gối dưới đầu hoặc cổ.
- Cho bệnh nhân nằm thoải mái, phòng yên tĩnh, ánh sáng nhẹ, có mùi dễ chịu.
- Có thể cho bệnh nhân uống một ít cà phê, nghỉ ngơi hay ngủ
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường như: aspirine, ibuprofene, naproxen, acetaminophene bằng đường uống
Trong trường hợp cơn đau nặng:
- Người bệnh cần thăm khám chuyên khoa để được có sự theo dõi và can thiệp đúng lúc. Dùng các loại thuốc cắt cơn như: Triptans, Ergotamine Tartrate, hoặc Dihydroergotamine.
- Bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng thuốc giảm đau kết hợp như Acetaminophen với Codeine.
7. Phòng Ngừa Nhức Nửa Đầu
Bệnh nhân cần tránh những tác nhân gây nhức đầu là các yếu tố kích hoạt như:
- Sử dụng một số thức ăn, các chất kích thích bỏ bữa ăn, stress tâm lý, lạm dụng thuốc…
- Thay đổi lối sống: sống thoải mái, bỏ căng thẳng
Đối với bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp, chống trầm cảm, thuốc kháng dị ứng. Bênh nhân cần tuân thủ điều trị theo yêu cầu bác sĩ. Bệnh nhân cần phải được theo dõi và tái khám.
Những biện pháp bổ trợ khác như: xoa bóp, tập thể dục đều đặn, chấm cứu, tập yoga… cũng được khuyến khích
BS. Trần Đình Trung
Bệnh viện Đa khoa Quốc Ánh