Nỗ lực vì Sức khỏe và Niềm tin của cộng đồng

Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Ánh

Gai cột sống thắt lưng là biểu hiện bệnh lý gì?

Mục Lục Bài Viết

Tìm hiểu về gai cột sống thắt lưng

Gai cột sống thắt lưng hay thoái hóa cột sống thắt lưng với các triệu chứng đau nhức thắt lưng cần phải được xác định rõ bệnh lý chính là thoái hóa của đĩa đệm, còn thoái hóa các đốt sống thắt lưng biểu hiện với các gai xương chỉ là hệ quả. Chính tổn thương thoái hóa đĩa đệm là nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng.

Bệnh thoái hoá đĩa đệm tiếng Anh là: Degenerative Disc Disease (Viết tắt là DDD)
Nguyên nhân thoái hóa đĩa đệm được kể do nhiều yếu tố, chủ yếu là đĩa đệm bị rách hoặc bị bào mòn. Thực sự hiếm thấy rách đĩa đệm do nguyên nhân chấn thương, như tai nạn ô tô. Mà hầu hết là do những chấn thương nhỏ liên tục, kéo dài làm tổn thương đĩa đệm tiến triển với thời gian.

Bản thân đĩa đệm không có mạch máu nuôi, do đó khi bị chấn thương nó không thể tự sửa chữa như các tổ chức khác. Các tổn thương nhỏ kéo dài cũng khởi đầu quá trình bào mòn đĩa đệm. Trung bình có hơn 30% người độ tuổi 30-50 bị thoái hóa đĩa đệm mặc dầu chưa có biểu hiện bệnh lý gì. Đối với người lớn hơn 60 tuổi thì hiếm khi không có tổn thương thoái hóa đĩa đệm trên hình MRI cột sống.

Gai cột sống do thoái hóa đĩa đệm
Gai cột sống do thoái hóa đĩa đệm

Nguyên nhân bệnh thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng

Đau thắt lưng kết hợp bệnh thoái hóa đĩa đệm thường xảy ra trong hai bệnh cảnh sau:

  • Phản ứng viêm: Chất protein xuất phát từ đĩa đệm bị thoái hóa làm kích thích các dây thần kinh xung quanh, có thể làm viêm hai rễ thần kinh nhỏ hai bên đĩa đệm và có khi viêm cả thần kinh lớn của chân là thần kinh toạ và thần kinh đùi.
  • Khi vòng xơ của đĩa đệm (annulus fibrous) bị rách thì đĩa đệm không thể hấp thu hiệu quả các chấn động của cột sống, hậu quả chấn động lan dọc theo đoạn cột sống thắt lưng.

Nhiều chấn động nhỏ, kết hợp với protein gây phản ứng viêm, có thể phát sinh ra đau vùng cột sống thắt lưng.

Các triệu chứng của bệnh thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng

Hầu hết bệnh nhân có bệnh lý này đều có trải nghiệm về đau thắt lưng mức độ thấp và liên tục và họ chịu đựng được dù thỉnh thoảng có cơn đau dữ dội kéo dài vài ngày. Đau thắt lưng có tính chất sau:

  • Đau có thể tập trung ở giữa thắt lưng hay lan tỏa xuống háng hay chân.
  • Đau có thể liên tục và kéo dài đến 6 tuần
  • Thường đau nhiều hơn khi ngồi so với khi đứng, đi và nằm. Tuy nhiên khi đứng lâu cũng gây đau nhiều hơn thương tự như khi khiêng vật nặng và khi khom người ra trước.
  • Thường đau sẽ trầm trọng thêm ở vài động tác đặc biệt như khom người ra trước, xoay cột sống và khi nâng vật nặng
  • Khi đĩa đệm bị xẹp thì lỗ liên hợp nơi rễ thần kinh tủy sống chui qua bị hẹp lại có thể làm chèn ép rễ thần kinh gây tê bì hay yếu liệt phần cơ do rễ thần kinh chi phối, khi đó gọi là bệnh lý rễ thần kinh

Các biểu hiện lâm sàng của thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng

Protein xuất phát từ đĩa đệm gây một số phản ứng viêm, như gây đau ở thắt lưng và lan xuống khớp háng, có khi lan xuống cả mặt sau của đùi và cẳng chân, ngoài ra còn gây co cứng cơ vùng thắt lưng.

Thoái hóa đĩa đệm còn gây hẹp ống sống và viêm khớp thoái hóa của các đốt sống thắt lưng.

Chuẩn đoán bệnh thoái hóa đĩa đệm

Chẩn đoán dựa vào:

  • Bệnh sử: thời gian bị đau thắt lưng, tính chất đau, tư thế nào cũng như khi hoạt động gì thì gây đau.
  • Khám lâm sàng hay dấu hiệu thực thể: khám các tư thế vận động cột sống, lực cơ thế nào, điểm ấn gây đau vùng thắt lưng và đau lan toả xuống mông, háng hoặc mặt sau đùi …
  • Chụp hình MRI: có thể phát hiện: Xẹp đĩa đệm – Mặt sụn đĩa đệm bị ăn mòn – Đĩa đệm bị khô mất nước – Rách vòng xơ đĩa đệm – đĩa đệm bị căng phòng chèn vào lòng ống tủy
Chuẩn đoán bệnh thoái hóa đĩa đệm
Chuẩn đoán bệnh thoái hóa đĩa đệm

Điều trị bệnh thoái hóa đĩa đệm

Hầu hết thoái hóa đĩa đệm được điều trị thành công bằng phương pháp bảo tồn là dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, tập vật lý trị liệu và tập vận động

Điều trị phẫu thuật được đặt ra khi điều trị bảo tồn không hiệu quả sau thời gian 6 tháng hoặc khi đau nhức làm hạn chế nhiều hoạt đông hàng ngày.

Thay đổi sinh hoạt

Điều trị tiếp tục sau đợt cấp là tránh các hoạt động có thể làm trầm trọng tổn thương đĩa đệm như không nhấc vật nặng, không chơi môn thể thao đòi hỏi phải xoay người ra sau như đánh golf, bóng rổ, bóng đá.

Ngoài ra còn cần phải học kỹ năng lao động như cách thức khiêng vật nặng, sắp xếp vật dụng nơi làm việc hợp lý, và ngay khi ngủ cũng phải chú ý giữ tư thế ngay ngắn để tránh áp lực trên cột sống thắt lưng.

Bài tập vận động dành cho cột sống
Bài tập vận động dành cho cột sống

Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật chủ yếu là hàn khớp hay làm dính khớp của 2 đốt sống kế bên. Có thể làm dính một tầng, 2 tầng hoặc 3 tầng tùy tổn thương của đĩa đệm và độ mất vững của đốt sống. Khi làm dính khớp đốt L5S1 thì ít gây hạn chế vận động cột sống thắt lưng. Khi làm dính 2 tầng thì sẽ hạn chế một phần vận động, khi làm dính 3 tầng thì hạn chế vận động cột sống nhiều và kèm theo các phiền toái khác như làm teo các cơ cạnh cột sống, ảnh hưởng vận động các đốt sống còn lại. Ngoài ra khi làm dính các đốt sống thì áp lực cột sống chuyển sang 2 đốt kế bên (kế bên của các đốt sống được hàn với nhau) làm nguy cơ bệnh lý mới cho các đĩa đệm tương ứng.

Do đó việc phẫu thuật “Thay đĩa đệm nhân tạo” thay cho phẫu thuật “làm dính đốt sống” được đặt ra để tránh các nguy cơ nêu trên. Tuy nhiên qui trình phẫu thuật phức tạp có nhiều biến chứng và còn trong giai đoạn nghiên cứu.

Kết luận

Bệnh lý gai cột sống còn gọi là thoái hóa cột sống hay chính xác hơn là bệnh thoái hóa đĩa đệm là bệnh lý mãn tính, thường xảy ra ở người khoảng 50 tuổi trở lên, nhiều trường hợp gây đau nhức và hạn chế vận động làm ảnh hưởng một phần chất lượng cuộc sống.

Việc điều trị là không quá phức tạp, trước tiên cần áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn, nghĩa là dùng thuốc, tập VLTL, tập vận động trị liệu phù hợp tình trạng bệnh lý.

Để phòng ngừa bệnh thoái hóa đĩa đệm cũng như để hạn chế diễn biến bệnh nặng hơn thì chúng ta cần tìm hiểu và thực hiện đúng kỹ năng lao động cũng như các tư thế khi sinh hoạt như khi đứng, ngồi, nằm và cả khi ngủ để đảm bảo cột sống gồm các đốt sống và đĩa đệm luôn ở tư thế chức năng, hạn chế áp lực tác động vào đĩa đệm.

Đặt lịch khám bệnh

Thông tin bệnh nhân

Chọn chuyên khoa

Ngày và giờ đến khám