Tiêm chủng cho bé và những điều thân nhân cần lưu ý
Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng tránh những bệnh tật nguy hiểm. Các bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, sởi và viêm phổi/viêm màng não mủ do HiB và nhiều bệnh khác. Cha mẹ cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để theo dõi lịch tiêm của con mình.

Những lưu ý các ba mẹ cần biết
Các vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia cũng như các vắc xin dịch vụ đều được xác định là an toàn. Tuy nhiên để việc tiêm chủng cho trẻ mang lại lợi ích và an toàn tối đa cho trẻ. Các bà mẹ cần lưu ý:
- Trong lúc trẻ được khám sàng lọc trước tiêm, thân nhân cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của trẻ như tiền sử sinh non, dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước hoặc trẻ đang ốm, sốt.
- Sau khi tiêm, trẻ cần được lưu lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để phát hiện các diễn biến bất thường sớm, nếu có, và được xử trí kịp thời.
- Sau 30 phút, thân nhân có thể đưa trẻ về nhà. Và tiếp tục theo dõi trẻ cẩn thận trong 24 giờ.
- Sau tiêm trẻ có thể sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc, v..v. Đây là những biểu hiện thường gặp và lành tính. Khi trẻ sốt trên 38ºC, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Bất kỳ lúc nào cảm thấy không yên tâm về tình trạng sức khỏe của trẻ sau khi chích ngừa. Thân nhân cần liên lạc với nhân viên y tế để được tư vấn và hỗ trợ.
- Khi các phản ứng kéo dài trên 1 ngày. Thân nhân nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.
- Khi trẻ có các triệu chứng như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái. Người nhà cần đưa trẻ NGAY đến cơ sở y tế.
Vì sự an toàn của trẻ, các bà mẹ cần theo dõi trẻ trong 30 phút tại điểm tiêm chủng. Và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm.
Nguồn: ThS Bs Nguyễn Trọng Hiếu
Bs Nhi Bệnh viện Quốc Ánh